Báo cáo tại Hội nghị lần II ngày 11/09/2013

Rate this post

BAN LIÊN LẠC HỌ THIỀU VIỆT NAM

————–—–————–

BÁO CÁO

CỦA BAN LIÊN LẠC HỌ THIỀU VIỆT NAM

(Tại Hội nghị lần II ngày 11 tháng 9 năm 2013)

Kính thưa các vị đại biểu!

Thưa bà con cô bác thân tộc họ Thiều!

Việc tiến hành xây dựng và phát triển dòng họ Thiều của toàn quốc là một việc làm hết sức lớn lao và lâu dài mãi mãi, do đó, cần phải từng giai đoạn, từng thời kỳ tập trung vào một vài điều cơ bản để hoạt động. Dựa vào kết quả năm đầu sau Hội nghị lần thứ nhất của Ban Liên lạc toàn quốc họp ngày 19/9/2012 tại đền thờ Tướng công Thiều Thốn đã tìm ra được những nguyên nhân thắng lợi và những hạn chế, đồng thời đề ra một số phương hướng cho năm 2013.

Hôm nay, tôi xin thay mặt Ban Thường trực báo cáo tình hình hoạt động của Ban Liên lạc và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

A. Về tổ chức hoạt động của Ban Liên lạc

Theo danh sách thành viên Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam do Đại hội Đại biểu họ Thiều toàn quốc ngày 18/6/2011 bầu ra và theo quyết nghị của Hội nghị lần thứ nhất củaBan Liên lạc họ Thiều Việt Nam ngày 19/9/2012, giao cho Ban Thường trực mời bổ sung vào Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam những bà con có tâm huyết, có khả năng hoạt động cho dòng họ với tâm nguyện tri ân với tổ tiên. Vì vậy, dựa vào tình hình thực tế, dựa vào từng nơi qua một năm công tác tổ chức cụ thể như sau:

1. Năm qua đã mời các ông Thiều Hoan (thành phố Thanh Hoá), ông Thiều Hoàng (thành phố Hà Tĩnh) vào Ban Liên lạc toàn quốc, nâng tổng số thành viên của Ban Liên lạc toàn quốc lên 90 người.

– Đã mời thêm 4 ông Thiều Sỹ Nhự, Trưởng Ban Liên lạc họ Thiều Thanh Hoá; ông Thiều Hoan, Ban Thường trực họ Thiều Thanh Hoá và ông Thiều Quang Định, Phó Ban Liên lạc họ Thiều Hà Nội, ông Thiều Hữu Hinh ở Ban Liên lạc Hà Nội vào thường trực. Nâng tổng số thường trực lên 20 người.

 – Đã mời thêm 3 ông Nhự, Định và Hinh vào Ban Đại diện, nâng tổng số Ban Đại diện lên 11 người để giúp Ban Điều hành chỉ đạo tốt công việc của dòng họ.

2. Thành lập được một Ban Liên lạc họ Thiều của tỉnh Thanh Hoá là nơi phát tích ra dòng họ Thiều của toàn quốc, đã thu hút được 50 thành viên tham gia và hoạt động trên khắp cả các huyện trong tỉnh, nơi nào có họ Thiều là có sự chỉ đạo của Ban Liên lạc tỉnh Thanh Hoá. Vì vậy, đã khích lệ bà con hướng về cội nguồn, hiểu về dòng họ Thiều, nơi phát tích của dòng họ, tự hào một dòng họ có công với nước, được Nhà nước vinh danh và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia cho Cụ tổ dòng họ.

3. Xây dựng được Ban Tài chính để phân công cụ thể người phụ trách tài chính, phụ trách thu – chi và kiểm soát để việc hoạt động tài chính được rõ ràng. Đến nay, hoạt động của Ban Tài chính diễn ra đều đặn, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thu – chi tài chính ăn khớp với nhau và mọi hoạt động thu – chi đều có sự giám sát của Trưởng, Phó Ban Liên lạc. Vì vậy, đã thu được kết quả tốt (có báo cáo tài chính kèm theo).

4. Chắp nối dòng họ:

Năm 2013 Ban Thường trực đã thường xuyên quan tâm chắp nối dòng họ nên đã tổ chức đi thăm các chi họ ở các nơi như Thanh Thuỷ, Phú Thọ, Yên Định, Thọ Xuân, xã Nông Trường – Triệu Sơn (Thanh Hoá); Điện Bản (Quảng Nam); Cần Thơ; thành phố Hồ Chí Minh… nên đã động viên được bà con tự hào với dòng họ, hướng về cội nguồn. Mọi việc đi thăm và chắp nối đó đều do tự nguyện của Ban Thường trực và tự túc, không sử dụng quỹ của dòng họ.

Ngoài việc thăm hỏi chắp nối dòng họ, Ban Thường trực còn quan tâm tới việc thăm hỏi bà con ốm đau và tiễn đưa những bà con quá cố, do đó, đã đem lại tình cảm sâu sắc trong dòng họ.

B. Việc xây dựng tôn tạo và bảo vệ khu di tích Lăng mộ Tướng công Thiều Thốn

Trong năm qua, Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam đã lấy nhiệm vụ xây dựng tôn tạo lăng mộ, đền thờ tiên tổ ở núi Đào (thôn Nhuận Thạch – xã Đông Tiến – huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hoá) làm nhiệm vụ trọng tâm. Biến nơi đây vừa là nơi hội tụ tâm linh của dòng họ cả nước, vừa là khu danh lam thắng cảnh để con cháu họ Thiều cùng khách thập phương hướng về dâng hương.

Các thành viên Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam đã gương mẫu và tích cực vận động con cháu đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, hoàn thành được nhiều hạng mục công trình của dự án đã được các cấp chính quyền phê duyệt như:

– Xây dựng xong 2 ngôi mộ trên đỉnh núi Đào khang trang, nguy nga và đã mời thầy về làm lễ bốc bát hương theo đúng nghi lễ truyền thống và tổ chức khao quân khi có bát hương chính thống của dòng họ cả nước. Những bát hương đó đã thể hiện linh khí của tổ tiên dòng họ. Từ nay, việc thờ phụng tiên tổ trong các lăng mộ mới đúng với truyền thống của người Việt Nam. Ngày 13/4/2013, Ban Thường trực đã mời được bà con cùng khách thập phương tới tại đền thờ Tướng công Thiều Thốn dự lễ cắt băng khánh thành để đưa vào sử dụng.

– Một số công trình phụ trợ, nhà vệ sinh, sân đường cũng đã được xây dựng và tu sửa sạch đẹp.

– Đã phát hành được cuốn sách kỷ yếu hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp danh nhân Thiều Thốn và họ Thiều trong lịch sử dân tộc”; làm được huy hiệu của họ Thiều.

– Đã sưu tầm và biên soạn vở chèo về Tướng công Thiều Thốn, biên soạn và dàn dựng chầu tế cung đình vào dịp đại lễ tri ân Tướng công Thiều Thốn và giỗ tổ họ Thiều.

C. Những việc chưa làm được và những tồn tại cần tháo gỡ

1. Việc đặt tên danh nhân Thiều Thốn cho một đường phố ở thành phố Thanh Hoá – đây là nguyện vọng chung của cả dòng họ đã được nhắc đến nhiều năm rồi, ngay cả trong Hội thảo khoa học ngày 19/6/2011 cũng đã có kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa làm xong hồ sơ để trình duyệt.

2. Việc thành lập Ban Liên lạc ở các tỉnh như Phú Thọ, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh chưa tiến hành được nên việc hoạt động của Ban Liên lạc chưa đem lại kết quả.

3. Việc các thành viên Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam ở các địa phương chưa kết nối được với các chi tộc, trưởng tộc họ Thiều nơi đó.

D. Phương hướng nhiệm vụ năm tới

1. Họ Thiều Việt Nam phát tích từ đất Thọ Sơn – tổng Thanh Khê từ thế kỷ XIII, nay là thôn Nhuận Thạch – xã Đông Tiến – huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hoá. Tướng công Thiều Thốn đời thứ 3 của dòng họ Thiều đã làm rạng danh tiên tổ họ Thiều, ông là người có công lớn giúp vua Trần Dụ Tông dẹp giặc Chiêm Thanh ở phía Nam (1357) và trấn ải biên thuỳ giữ yên bờ cõi ở phía Bắc (1365), ông được vua Trần phong “Khai quốc công thần, Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng tể kiêm Trưởng kim ngô vệ”.

Đền thờ và lăng mộ Tướng công Thiều Thốn đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh quốc gia năm 1993 theo Quyết định số 57/QĐ-BVH ngày 18/01/1993 của Bộ Văn hoá Việt Nam.

Trải qua trên 10 năm, di tích đó vẫn an binh tại chỗ, lăng mộ chỉ là mô đất, đền thư như cái miếu 30m2, không xứng với công lao của tiên tổ.

Tháng 3/2010, UBND xã và Ban Di tích của xã Đông Tiến – huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hoá cùng với dòng họ Thiều đã thống nhất thuê Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ngọc Bảo ở số 03/69 phố Tô Vĩnh Diện – phường Điện Biên – thành phố Thanh Hoá khảo sát, đo đạc lập tổng thể mặt bằng và hồ sơ kỹ thuật cải tạo và xây dựng khu di tích lịch sử đền thờ và lăng mộ ở núi Đào – xã Đông Tiến – huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hoá; chủ đầu tư là UBND xã Đông Tiến – huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hoá, có nhiệm vụ chỉ đạo; kinh phí xây dựng do các con cháu họ Thiều đóng góp.

Hồ sơ đã được trình tới các cơ quan có thẩm quyền, đã được UBND xã Đông Tiến, UBND huyện Đông Sơn và Sở Văn hoá tỉnh Thanh Hoá phê duyệt cho xây dựng và cải tạo 11 hạng mục của công trình tại núi Đào – thôn Nhuận Thạch – xã Đông Tiến – huyện Đông Sơn – tỉnh Thanh Hoá.

Dựa vào hồ sơ đã được phê duyệt và khả năng vốn huy động từng thời kỳ của dòng họ, UBND xã Đông Tiến và Ban Di tích lịch sử của xã đã chỉ đạo cho dòng họ được tiến hành từng hạng mục. Từ đó đến nay, cơ bản các hạng mục được duyệt đã hoàn thành, đồng thời đã phát triển thêm khu mộ của tổ tiên và đường lên đỉnh núi, phát triển lăng đã được xây dựng khang trang làm rạng rỡ thêm khu di tích ở núi Đào.

Tuy nhiên, nhà thờ tổ họ Thiều được xây dựng nhiều năm trước đây đã xuống cấp, không còn bao lâu nữa và không đúng với thiết kế trong 11 hạng mục đã được phê duyệt, quy mô của nhà thờ hiện nay cũng chưa xứng với tầm vóc và công lao của tổ tiên tộc Thiều.

a. Việc trùng tu, tôn tạo xây dựng nhà thờ tổ là việc cấp thiết cần làm, vì vậy, phương hướng thời gian tới sẽ lấy việc xây dựng lại nhà thờ tổ là trọng tâm hoạt động của Ban Liên lạc. Với tiêu chí:

– Nhà thờ phải xây dựng kiên cố, nếu không đủ khả năng làm bằng gỗ thì làm xi măng cốt thép giả gỗ đảm bảo được uy nghi, khang trang, vĩnh cửu.

– Nhà thờ phải đủ nơi thờ cúng và tế lễ dâng hương, dựa vào thiết kế đã được duyệt điều chỉnh lại cho thích hợp.

– Việc trùng tu, tôn tạo xây dựng nhà thờ là một việc làm lớn lao cần có sự đồng thuận của các thành viên Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam và biến sự đồng thuận đó thành sức mạnh lan toả đến toàn thể bà con họ Thiều trong cả nước.

– Theo thiết kế trình duyệt đã xác định 11 hạng mục công trình cải tạo ở núi Đào, phần kinh phí xây dựng do bà con họ Thiều đảm nhiệm. Vì vậy, việc xây dựng lại nhà thờ tổ là nhà thờ của dòng họ nên con cháu họ Thiều phải đảm nhiệm. Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam dự kiến huy động mỗi hộ gia đình ở nông thôn đóng góp 300.000đ, mỗi hộ gia đình ở thành thị đóng góp 500.000đ; đồng thời kêu gọi sự đóng góp tích cực của các thành viên trong Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có điều kiện kinh tế tốt hãy tích cực đóng góp nhiều hơn nữa để công trình nhà thờ tổ sớm được hoàn thành.

– Xây dựng nhà thờ tổ là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao trong dòng họ, phải có kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, có sự phân công cụ thể trong từng thành viên Ban Liên lạc, phải hình thành các tổ chức cần thiết để triển khai công việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả, các thành viên trong Ban Liên lạc cần tích cực phối hợpvới nhau dành nhiều thời gian, công sức tuyên truyền, vận động bà con họ Thiều, phối hợp với các trưởng chi, trưởng tộc họ Thiều ở các địa phương để công việc sớm đạt kết quả.

– Việc huy động đóng góp trùng tu, tôn tạo lại nhà thờ phải hạch toán riêng, mọi khoản thu cho xây dựng nhà thờ chỉ được chi vào xây dựng nhà thờ, không được lấy chi cho công việc khác. Mọi khoản huy động được phải được lưu giữ để lại cho đời sau. Dự tính là hình thành 03 sổ:

Sổ ghi công đức do bà con đóng góp theo hộ;

‚Sổ vàng ghi bà con tự nguyện đóng góp từ 1.000.000đ đến 9.900.000đ và lưu giữ ở nhà thờ.

ƒLập 01 bia đá ghi rõ “Bia công đức xây nhà thờ tổ” khắc tên những bà con tự nguyện đóng góp công đức từ 10.000.000đ trở lên để lại cho đời sau.

Chủ trương xây dựng lại nhà thờ và hướng động viên đã được Thường trực Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam và một số Ban Liên lạc các tỉnh đồng thuận nên bước đầu đã có các bà con sau đây xin đăng ký ủng hộ (đọc danh sách).

b. Việc xin đặt một con đường mang tên Thiều Thốn là tâm nguyện là khát vọng lớn lao của bà con cô bác trong dòng tộc, tới nay vẫn chưa hoàn thành hồ sơ trình duyệt. Năm tới, cần đẩy mạnh và những bà con được phân công cần cố gắng hết sức để đạt kết quả.

c. Việc chắp nối dòng họ, thành lập các Ban Liên lạc các tỉnh, cần đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trong đợt tập trung vào xây dựng nhà thờ tổ, tạo thành khí thế để dòng họ phát triển trường tồn.

Kính thưa bà con cô bác thân tộc họ Thiều!

Trên đây Thường trực Ban Liên lạc họ Thiều xin báo cáo sự hoạt động của họ Thiều trong năm qua và đề ra phương hướng cho thời gian tới. Kính mong bà con cô bác tham gia đóng góp những sáng kiến hay để cùng nhau thực hiện tốt phương hướng nhiệm vụ của Ban Liên lạc họ Thiều Việt Nam và dòng Thiều trong thời gian tới.

Cuối cùng, xin kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp và xin trân trọng cảm ơn.

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2013

TM. BLL HỌ THIỀU VIỆT NAM

TRƯỞNG BAN

 

 Thiều Hoan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỌ THIỀU VIỆT NAM

Địa chỉ:

Điện thoại: 0912 345 678

Email: hothieuvietnam@gmail.com