Cảm xúc lần đầu về giỗ tổ họ Thiều

Rate this post

Con người có nguồn cội. Với tôi, khi lần đầu tiên về dự lễ giỗ Tổ họ Thiều chứa đựng trong lòng cảm xúc thiêng liêng như người đi giữa mịt mùng gặp bình minh sáng tươi.

Bao năm, trên mảnh đất Sơn La, tôi thấy họ của mình vô cùng đặc biệt và hiếm hoi. Số phận cuộc sống cũng không cho tôi có cơ hội tìm hiểu về tông tích, họ hàng. Quê tôi ở vùng Lộc Châu, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông nội mất năm 1930, bố tôi tham gia du kích rồi năm 1951 đi bộ đội, sau chiến dịch Điện Biên lịch sử, ông chuyển ngành ở lại xây dựng Sơn La và mất năm 1995, trọn đời cho Tây Bắc. Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đó.

Về giỗ Tổ năm nay (2012), tôi được toàn thể các ông, các bác, các anh chị mở rộng vòng tay họ Thiều ôm lấy người con về với quê cha, đất tổ. Xúc động vô cùng.

Ngắm nhìn toàn bộ lăng mộ, đền thờ khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh quốc gia, tôi không khỏi tự hào về lịch sử dòng họ, tự hào vì mình có vinh dự và trách nhiệm trong đó; vô cùng cảm phục biết ơn các cụ, các ông trong dòng họ: cụ Thiều Quang Đặng người có công khôi phục di tích họ Thiều, cụ Thiều Hoan người có công lớn chắp nối dòng họ; anh Thiều Quang Đồng và những người khác trong dòng họ, phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, với Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Danh nhân Thiều Thốn và họ Thiều trong lich sử” đã cung cấp những tư liệu quý báu về dòng họ Thiều, giúp cho mọi người hiểu rõ về nguồn gốc lịch sử họ Thiều ở Việt Nam, những giá trị truyền thống quý báu của họ Thiều trong lịch sử.

Các bác, các anh thường trực Ban Liên lạc: Thiều Đình Điền, Thiều Văn Giang, Thiều Quang Biên… tất bật chuẩn bị Hội nghị Ban LL họ Thiều lần thứ nhất. Thiều Quang Tùng (nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng cả nước) mặc dù bận bịu công việc kinh doanh nhưng đã dành rất nhiều thời gian, công sức cho việc tu bổ, tôn tạo khu di tích, chuẩn bị những điều kiện chu đáo cho lễ cúng giỗ tổ tiên, cho việc đón tiếp bà con dòng họ trên khắp mọi miền tổ quốc về dự lễ.

Có thể nói, tôi cũng đã đi đến nhiều đền chùa trong cả nước nhưng chưa bao giờ có được cảm xúc đặc biệt như lần này khi đứng trước miếu đường của tổ tiên dòng họ Thiều nơi đất Tổ. Một cảm xúc vừa thành kính linh thiêng khi nhớ về cuội nguồn tổ tiên dòng họ, vừa phấn khởi tự hào về những công lao, đóng góp của các bậc tiền nhân dòng họ Thiều đối với đất nước, về việc bảo vệ giữ gìn và xây dựng đền thờ, lăng mộ của nhân dân và chính quyền địa phương, của các ông các bác của dòng họ Thiều nơi đất Tổ. Một cảm xúc ấm áp, thân thiện gần gũi, khi xung quang tôi toàn bà con họ Thiều, không có nơi nào trong cả nước lại có đông bà con họ Thiều như ở vùng Đông Tiến, Đông Sơn. Họ Thiều trên đất nước Việt Nam đều có nguồn gốc từ vùng đất Tổ này.

Đứng trên đỉnh núi Đào, nhìn ra xung quanh thấy một vùng đồng ruộng trù phú, khu lăng mộ thủy tổ tĩnh lặng bình yên giữa cánh đồng bát ngát như cõi linh thiêng riêng có cho nỗi lòng tưởng nhớ của bao lớp con cháu họ Thiều mỗi lần về hương khói. Tự hào trên 700 năm cho lịch sử họ Thiều Việt Nam.

Nghi lễ cúng giỗ trang trọng, thành kính trong ngày mồng 8-8 âm lịch cũng là lần đầu tôi được tham gia. Kính rước vong linh tiên tổ về thụ hưởng lễ vật, phù hộ, độ trì cho con cháu khắp mọi miền đất nước được mạnh giỏi, bình an.

Bữa cơm đầm ấm trưa hôm mồng 8-8 mang nặng dấu ấn tình cảm của bà con họ hàng tại vùng đất Tổ đối với những người ở xa. Con cháu nhà ông Thiều Quang Đặng cùng các ông, các bác trong Ban Liên lạc, bà con làng Nhuận Thạch, Đông Tiến… mồ hôi nhễ nhại bưng bê mời đón. Chén rượu nâng ấm ngọt làn môi, con trai, con gái, con dâu, cháu chắt họ Thiều cùng quây quần tâm sự với mong mỏi họ ta ngày càng đoàn kết, gắn bó, hưng thịnh.

Ước gì bố tôi được chứng kiến khung cảnh này, cuộc đời ông đã không được biết có dòng họ Thiều đầm ấm, quần tụ nơi đây.

Tham dự hội nghị Ban Liên lạc, được phép phát biểu, tôi xin mạnh dạn đề xuất mấy ý kiến như sau:

1. Nếu có thể phối hợp với Hội Sử học biên soạn tài liệu, xuất bản sách về Tướng quân Thiều Thốn cũng như lịch sử dòng họ Thiều Việt Nam để con cháu có được tư liệu chính thống tìm hiểu, nghiên cứu, truyền bá và phát huy truyền thống anh hùng của dòng họ.

2. Các chi họ tại các địa phương sưu tầm tư liệu giới thiệu về chi họ mình trên trang web họ Thiều để cho mọi người có thể tìm hiểu.

3. Chụp ảnh đưa lên trang web đồng thời dịch, biên soạn thuyết minh bộ gia phả (xuất xứ, nội dung…) cho con cháu dòng họ khắp mọi miền có thể khai thác, tìm hiểu, in ra đặt lên bàn thờ của mỗi gia đình thành kính tổ tiên.

4. Chắp nối liên kết giữa các chi họ như ý kến bác Thiều Hoan đã nêu. Các chi họ tại các huyện, tỉnh, nơi nào có nhà thờ họ Thiều đề nghị đưa địa chỉ lên trang web để cho con cháu khắp mọi nơi nếu có điều kiện đi qua, xin ghé vào thắp nén hương thơm kính viếng tổ tiên họ Thiều độ trì con cháu mạnh giỏi, bình an.

5. Chúng ta, lứa con cháu ngày nay, xin hãy chung tay người góp sức, góp công, người góp của (có nhiều góp nhiều, có ít góp it) theo số tài khoản đã đăng tải trên trang web(Thiều Thị Xuân, số tài khoản: 1482.205.005.854 tại: Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Hùng Vương, Hà Nội, điện thoại: 0985 552 568).

Kính mong mọi người hãy làm theo Quy ước dòng họ Thiều với tâm nguyện là tìm về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân với tổ tiên và các bậc tiền bối, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; giáo dục các thế hệ tiếp theo giữ gìn và phát huy tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của dòng họ Thiều./.

Sơn La, tháng 9- 2012

Thiều Quang Ngãi

(Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La – 098 332 7864)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

HỌ THIỀU VIỆT NAM

Địa chỉ:

Điện thoại: 0912 345 678

Email: hothieuvietnam@gmail.com